Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024

Phóng sự ảnh

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm đến chuyên mục nào trên Website?
Văn bản
tin tức
khác

Tin trong nước

Gửi Email In trang Lưu
Quốc hội "chốt" tăng tuổi nghỉ hưu, không nâng khung thoả thuận giờ làm thêm

21/11/2019 10:50

Thanh tra) – Sáng ngày 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, Quốc hội chốt tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ; không nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ trong một năm.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết

Từ năm 2021 bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu

 

Điều 169 quy định, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định theo phương án 1 về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Một số đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án 2 và cho rằng việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu khó có thể áp dụng chung cho các đối tượng lao động khác nhau; có ý kiến đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay.

Một số ý kiến khác đề nghị đối với lao động nữ thì tuổi nghỉ hưu chỉ đến 58 tuổi; có ý kiến đề nghị đối với nhóm lao động trực tiếp và một số lao động đặc thù cần xem xét giữ như Bộ luật hiện hành…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xin ý kiến đại biểu Quốc hội, kết quả có 371 đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về nội dung này thì có 280 đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án 1.

Cụ thể trường hợp "đặc biệt" được làm thêm lên 300 giờ trong 1 năm

Về thoả thuận thời giờ làm thêm tối đa cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Chủ nhiệm Uỷ ban về các Vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Kết quả, có 406 đại biểu Quốc hội bày tỏ chính kiến thì có 318 đại biểu đồng ý giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

Biểu quyết sáng nay, 433/454 đại biểu Quốc hội (chiếm 89,65% tổng số đại biểu Quốc hội) quyết giữ nguyên khung thoả thuận giờ làm thêm, không nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ trong một năm.

Luật mới cũng quy định rõ các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ đến 300 giờ trong 1 năm. Theo đó, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp như: sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước.

Các trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời; phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước do hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất thì người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm. 

Bộ luật Lao động (sửa đổi) có 220 điều và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

nguồn: thanhtra.com.vn

Tin khác

Động cơ vụ lợi của cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong vụ án AVG (22/10/2019 09:01)

Phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng (16/10/2019 16:40)

Bộ Chính trị quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (11/10/2019 15:14)

Quyết định về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật thi hành án hình sự năm 2019 (28/08/2019 10:16)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì phiên họp về chống tham nhũng (07/08/2019 16:46)

Nghị quyết chương trình giám sát năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (07/08/2019 16:22)

Công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn (26/07/2019 16:35)

Không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng chống tội phạm (26/07/2019 16:33)

Phát động cuộc vận động công chức, viên chức nói không với tiêu cực (26/07/2019 16:30)

Điểm mới của Luật phòng, chống tham nhũng 2018 liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập (17/07/2019 15:31)

xem tiếp