Thứ ba, Ngày 7 Tháng 5 Năm 2024

Phóng sự ảnh

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm đến chuyên mục nào trên Website?
Văn bản
tin tức
khác

Phòng chống tham nhũng

Gửi Email In trang Lưu
Một số kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sau 01 năm thành lập

21/06/2023 17:02

Sáng 19/6/2023, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 01 năm hoạt động của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì Hội nghị, với sự tham gia của hơn 2.500 đại biểu.

Hội nghị sơ kết 01 năm hoạt động của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hội nghị đã thông tin, đánh giá kết quả 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đúng với tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư “tiền hô, hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tiếp tục khẳng định sự quyết tâm đấu tranh PCTNTC của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư và nhân dân ta.

Theo đó, kể từ Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII họp bàn chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chỉ sau 02 tháng ban hành Nghị quyết đã có 63/63 tỉnh, thành phố thành lập các Ban Chỉ đạo, trong đó Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa là 03 địa phương thành lập sớm nhất. Sau một năm thành lập, Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã khẩn trương xây dựng, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, chương trình, kế hoạch công tác… tạo cơ sở cho hoạt động của Ban Chỉ đạo đi vào nề nếp, hiệu quả, bài bản theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, Quy định 67-QĐ/TW của Ban Bí thư và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật như:

Một là, đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, tạo chuyển biến mới tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong công tác PCTNTC. Trọng tâm là Ban Chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC giai đoạn 2012 – 2022; Quy định 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Thông báo Kết luận số 12-TB/TW, ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTNTC; Hướng dẫn 25-HD/BCĐTW, ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về một số nội dung công tác phòng, chống tiêu cực…; chủ động tham mưu, ban hành, chỉ đạo ban hành 2.196 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả công tác PCTNTC ở địa phương tạo sự nhất quán cao trong việc đưa nghị quyết, chủ trương và quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, của đồng chí Tổng Bí thư đi vào cuộc sống. Một số tỉnh, thành phố điển hình làm tốt vấn đề này như: Lào Cai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Hai là, quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm. Các Ban Chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo tập trung vào các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vụ việc nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, điển hình như: vụ việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở Thái Nguyên và Cà Mau; vụ việc liên quan đến đất đai, bất động sản, quy hoạch xây dựng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Cục đăng kiểm và các Trung tâm đăng kiểm…. Chỉ tính từ tháng 6/2022 đến nay, các địa phương đã chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, tăng gấp 03 lần so với thời điểm 01 năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, điển hình như: Hà Nội chuyển 170 vụ việc, Đắck Nông chuyển 13 vụ việc; nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã trực tiếp tiến hành 147 cuộc kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc, trong đó điển hình như: Hải Phòng 07 cuộc, Nghệ An 07 cuộc, Cần Thơ 06 cuộc, Lạng Sơn 06 cuộc, Bắc Kạn 05 cuộc, Hòa Bình 05 cuộc, Bình Định 05 cuộc, Gia Lai 05 cuộc, Lâm Đồng 05 cuộc; các Ban Chỉ đạo, cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo đã tiếp nhận, xử lý 2.340 đơn, thư, chuyển cơ quan chức năng giải quyết 616 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực. Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra và giải quyết, khiếu nại, tố cáo Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xử lý, kiến nghị xử lý nhiều tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, bảo đảm sự nghiêm minh, đồng bộ, kịp thời giữa kỷ luật của Đảng với xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.

Ba là, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, góp phần từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Các Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo rà soát, quyết định đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo, điển hình như: Hà Nội 60 vụ, Phú Yên 36 vụ, Bình Dương 25 vụ, Đắk Nông 16 vụ, Thanh Hóa 15 vụ, Nghệ An 15 vụ…; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực kéo dài, có khó khăn, vướng mắc từ nhiều năm về trước; chỉ đạo khởi tố, điều tra nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm mới theo đúng nguyên tắc “có vụ việc thì phải xác minh làm rõ, tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và kết luận; có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Từ khi thành lập đến nay, các địa phương đã khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can có dấu hiệu tham nhũng, số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can, điển hình như: Hà Nội 64 vụ và 233 cán bộ, đảng viên bị khởi tố, Bắc Giang 33 vụ và 41 cán bộ, đảng viên bị khởi tố, Nghệ An 33 vụ và 40 cán bộ, đảng viên bị khởi tố, Thanh Hóa 23 vụ, Thái Nguyên 21 vụ, Quảng Ninh 13 vụ…; một số Ban chỉ đạo đã thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai” chỉ đạo xử lý nghiêm cả cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu liên quan đến các vụ án, vụ việc; nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh…; một số Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo “chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong chính các cơ quan chống tham nhũng”, xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức trong các cơ quan này có sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, như: An Giang kỷ luật 15 tổ chức Đảng và 72 đảng viên trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, Quảng Bình kỷ luật Phó Chánh Thanh tra tỉnh…. Những con số trên đã cho thấy sự chuyển biến tích cực của công tác đấu tranh, PCTNTC ở địa phương, góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Bốn là, Quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân trong PCTNTC. Nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC. Trong đó nổi lên là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị đối với Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ở địa phương đã có 37/63 tỉnh, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt Tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư, trong đó nhiều địa phương như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa… tổ chức Hội nghị trực tuyến đến cấp xã với hàng chục ngàn đại biểu tham dự; một số Ban Chỉ đạo cấp tỉnh như Hòa Bình, Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo công tác tuyên truyền PCTNTC, giáo dục văn hóa liêm chính; Lào Cai, Đà Nẵng chỉ đạo tổ chức giải báo chí, xây dựng các chương trình truyền hình về công tác PCTNTC; nhiều Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động phối hợp cung cấp thông tin, công khai kết quả xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng tiêu cực cho các cơ quan báo chí, truyền thông để kịp thời định hướng dư luận, tạo điều kiện thuận lợi để báo chí, nhân dân tham gia giám sát góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử xấu.

Năm là, Ban Chỉ đạo, Thường trực, các Thành viên và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò, trách nhiệm trong tham mưu, chỉ đạo công tác PCTNTC. Ban Chỉ đạo, các thành viên và Cơ quan Thường trực BCĐ các địa phương mặc dù mới thành lập, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng đã kịp thời nắm bắt chủ trương, học tập mô hình hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương để triển khai các mặt công tác, hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp, bài bản và khoa học. Đến nay có 28/63 Ban Chỉ đạo đã ban hành các quy định, quy trình nghiệp vụ; các Ban Chỉ đạo thường xuyên họp cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo, chỉ đạo kiện toàn hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự các cấp, chấn chỉnh công tác giám định, định giá tài sản giúp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã chủ động xây dựng, triển khai chương trình công tác, quan tâm kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao quản lý, phụ trách. Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy bước đầu đã phát huy tốt vai trò là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, tham mưu, thực hiện, hoàn thành nhiều công việc quan trọng phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo.

 

Giàng Lý

Tin khác

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (16/11/2022 14:33)

Kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Sở NN&PTNT (02/11/2022 15:26)

Hà Giang: 04 cá nhân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng (30/09/2022 14:53)

Kết quả 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Hà Giang (25/08/2022 07:20)

Hội nghị Quốc tế Chống tham nhũng lần thứ 20 đang được "lên dây cót" (20/05/2021 09:18)

Ban Nội chính Trung ương: Hội thảo khoa học "Kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng - những vấn đề lý luận và thực tiễn" (26/06/2020 09:58)

Tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng (21/02/2020 10:43)

Kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Công Thương (08/01/2020 09:02)

Ngày Quốc tế Chống tham nhũng 2019: Đã đến lúc hành động chống tham nhũng và biến đổi khí hậu (07/01/2020 10:14)

Chống tham nhũng đi vào chiều sâu, quan chức nhận hối lộ bị "chỉ mặt" (07/01/2020 10:05)

xem tiếp