Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình quản lý ngân sách xã và trường học

04/03/2015 16:12

Trong những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý ngân sách cấp xã, trường học về cơ bản đã thực hiện theo đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nguồn ngân sách Nhà nước chi cho cấp xã và trường học ngày càng tăng, đặc biệt là chi ngân sách cho các trường học, chi hỗ trợ học sinh bán trú và các chế độ chính sách thu hút giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó góp phần tạo điều kiện cho học sinh là con em đồng bào dân tộc được học hành thuận lợi và động viên khuyến khích các thầy cô giáo tới công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

         
          Trong những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý ngân sách cấp xã, trường học về cơ bản đã thực hiện theo đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nguồn ngân sách Nhà nước chi cho cấp xã và trường học ngày càng tăng, đặc biệt là chi ngân sách cho các trường học, chi hỗ trợ  học sinh bán trú và các chế độ chính sách thu hút giáo viên công tác  ở vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó góp phần tạo điều kiện cho học sinh là con em đồng bào dân tộc được học hành thuận lợi và động viên khuyến khích các thầy cô giáo tới công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

          Các chương trình hỗ trợ nhân dân như chương trình 167, chương trình 135 hợp phần hỗ trợ sản xuất, chương tình hỗ trợ dầu hỏa, xi măng.. được thực hiện đầy đủ đến từng hộ dân đúng dự toán và quy định. Việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình về cơ bản chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã thực hiện tương đối tốt theo trình tự, thủ tục trong đầu tư xây dựng. Đối với các khoản thu học phí được thực hiện theo đúng mức thu của UBND tỉnh, các trường thực hiện miễn giảm học phí cho học sinh đúng đối tượng và định mức. Đối với các nguồn thu xã hội hóa đã có sự phối hợp giữa nhà trường, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh.

          Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng ngân sách xã, trường học những năm vừa qua vẫn còn một số hạn chế yếu kém: Vẫn còn nhiều xã, trường học chưa thực hiện nghiêm quy chế dân chủ trong quản lý ngân sách, đặc biệt là việc thu, chi các khoản đóng góp của nhân dân. Một số đơn vị quản lý sử dụng ngân sách không đúng quy định của luật ngân sách, biểu hiện: chi sai nguyên tắc, chế độ, chứng từ không đảm bảo quy định, một số nguồn kinh phí hỗ trợ và tài trợ để ngoài sổ sách, không thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần cho dân; một số đơn vị trường học không minh bạch trong thu, chi tài chính; vẫn còn không ít trường  học bán trú có hiện tượng  kê khống danh sách học sinh ăn hàng ngày để thanh quyết toán, chi trả không hết chế độ của học sinh, cá nhân lợi dụng xâm tiêu công quỹ …

          Thanh tra tỉnh và các tổ chức thanh tra đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán các nguồn kinh phí ngân sách xã và các đơn vị trường học. Qua thanh tra phát hiện số tiền sai phạm 1.358.093.138 đồng; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền: 1.174.355.018 đồng; kiến nghị thu hồi trả lại ngân sách xã: 67.369.000 đồng; kiến nghị thu hồi trả lại cho dân: 86.250.000 đồng; thanh toán thêm giờ dạy cho giáo viên: 33.119.126 đồng. Đã tiến hành xử lý kiểm điểm trách nhiệm đối với các chủ tài khoản và kế toán các đơn vị để xảy ra xảy ra sai phạm trong quản lý và sử dụng ngân sách xã và trường học, trong đó: giáng chức: 01; khiển trách: 05; cảnh cáo: 02; khai trừ: 01.

          Nguyên nhân chủ yếu của tồn tại hạn chế và khuyết điểm nêu trên là do cấp ủy, chính quyền một số huyện, xã, trường học còn coi nhẹ công tác quản lý tài chính ngân sách, chưa chú trọng thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm; đội ngũ cán bộ tài chính ngân sách xã, trường học ở một số đơn vị năng lực còn yếu; việc triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về tài chính ngân sách chưa thường xuyên…

          Để chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách xã, trường học; sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tiền và tài sản Nhà nước khắc phục những tồn tại, yếu kém, bất cập trong quá trình trình thực hiện, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

          Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý tài chính; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về quản lý và sử dụng ngân sách như: Luật ngân sách, Luật kế toán và các chế độ tài chính khác, các văn bản có liên quan đến quản lý ngân sách xã, trường học.

          Hai là: Tăng cường vai trò  lãnh đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền cấp xã, các đoàn thể xã hội đối với công tác quản lý ngân sách xã, trường học. Thực hiện đúng quy chế dân chủ ở cơ sở; công khai minh bạch trong thu, chi tài chính theo đúng chế độ, chính sách; đặc biệt là trong sử dụng ngân sách trường học, việc thanh toán, thực hiện các chế độ cho học sinh phải có sự giám sát của đại diện phụ huynh học sinh thông qua Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh.

          Ba là: Rà soát lại đội ngũ kế toán xã, trường học đảm bảo đủ trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức; kiên quyết thay thế những người không đủ năng lực, phẩm chất đạo đức; thực hiện luân chuyển đối với đội ngũ kế toán theo quy định. Tăng cường hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý để cập nhật kịp thời các chế độ, chính sách, quy định mới của Nhà nước cho lãnh đạo và kế toán.

          Bốn là: Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra  của các ngành chuyên môn gắn với việc phát huy vai trò của Ban thanh tra Nhân dân và sự giám sát của cộng đồng, tập trung vào các chương trình mục tiêu do xã quản lý, chế độ chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên và học sinh,các khoản huy động, đóng góp… kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, phòng ngừa những vi phạm, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, tham ô, tham nhũng, lãng phí, thất thoát ngân sách tiền và tài sản Nhà nước.

Bắc Xuân