Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng năm 2014

06/03/2015 10:20

Năm 2014, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường...


          Năm 2014, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường áp dụng các biện pháp phòng ngừa để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hành vi vi phạm tham nhũng, tiêu cực có thể xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh.

          Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của đơn vị, công khai, minh bạch những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng như: quản lý, sử dụng đất đai, quản lý thu, chi tài chính, mua sắm tài sản công; xây dựng cơ bản; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Niêm yết công khai những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng đơn vị để phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong quá trình giao dịch công tác. Thực hiện tốt quyền tự chủ về tài chính, biên chế giao khoán kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại đơn vị, địa phương ( Cấp tỉnh có 14/22 sở, ngành; riêng Sở Kế hoạch và đầu tư đã thực hiện có chế một cửa liên thông với Công an tỉnh và Cục thuế tỉnh; cấp huyện 11/11 huyện, riêng Thành phố Hà Giang và huyện Bắc Quang  đã triển khai mô hình một cửa điện tử hiện đại; cấp xã phường, thị trấn 194/195). Việc thực hiện cơ chế một cửa đã tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong việc giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí và thời gian; hạn chế tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức.

          Thực hiện tốt việc triệt khai và quán triệt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; thực hiện đeo thẻ công chức trong giờ làm việc, niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị những việc được làm và không được làm đối với cán bộ, công chức, viên chức, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị để ngăn ngừa và chấn chỉnh các sai phạm. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cán bộ theo đặc thù của ngành và sắp xếp, bố trí vị trí chuyển đổi phù hợp với nghiệp vụ chuyên được đào tạo, trong năm 2014 đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cho 191 trường hợp.

          Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo nghiêm túc thực hiện việc kê khai, minh bạch tài sản thu nhập theo Chỉ thị số 33- CT/TW, ngày 03-01-2014 của Bộ chính trị và nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17-7-2013 của Chính phủ.  Năm 2014 tổng số người đã thực hiện kê khai tài sản thu nhập là 9.242/9.352 người, đạt 98,82%  trong đó công khai theo hình thức niêm yết là 1.443 người, công khai tại các cuộc họp là 6.226 người.

          Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chế độ, định mức, tiêu chuẩn do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành để xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản công và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, địa phương mình để thực hiện. Đã ban hành 39 văn bản, tiến hành 49 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Thực hiện Nghị định số 211/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức đơn vị do mình quản lý, phụ trách.Giám đốc các sở, ngành, chủ tịch các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc.
  
          Các cơ quan nội chính thường xuyên có sự phối hợp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật. Tính đến 31/12/2014, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã thụ lý, giải quyết 06 vụ/15 bị can (năm 2013 chuyển sang 01 vụ/02 bị can). Toà án nhân dân tỉnh Hà Giang đã thụ lý 05 vụ/11 bị cáo, đã xét xử 04 vụ/07 bị cáo phạm tội tham nhũng.

          Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCTN vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Cấp ủy một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa thường xuyên; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời, còn lúng túng, có biểu hiện né tránh, bao che cho cán bộ sai phạm, chưa chủ động báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy. Trong thanh tra, kiểm tra về xây dựng cơ bản, cơ quan thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm của chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn giám sát, nhà thầu thi công nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ kiến nghị cơ quan nhà nước ban hành quyết định thu hồi tài sản và xử phạt hành chính.

          Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, xây dựng và triển khai nhiệm vụ cụ thể về công tác PCTN. Chủ động nắm, dự báo tình hình, chỉ đạo thực hiện việc tuyên truyền các văn bản về PCTN trong phạm vi cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và giải quyết kịp thời các đơn thư tố cáo về tham nhũng; tăng cường công tác kiểm tra việc kê khai, thực hiện công khai các bản kê khai tài sản. Chủ động đề xuất, kiến nghị xử lý đối với các vụ việc có sai phạm khi được phát hiện./.

Xuân Bắc